
24.04.2017
Ngày sách Việt Nam 2017 sẽ có chiều sâu và sức lan tỏa lớn so với những năm trước. Đây chính là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Vũ Dương Thúy Ngà trong cuộc phỏng vấn của CINET.
PV: Thực tế những năm trước cho thấy, sự kiện Ngày sách diễn ra khá sôi động nhưng vẫn thiếu bản sắc. Theo Vụ trưởng, các ngành chức năng, cơ quan quản lý cần phải làm gì để khắc phục điều đó? Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Trên thực tế, sự kiện Ngày sách đã diễn ra ngày một sôi động hơn, tần suất của các hội chợ sách, hội sách cũng được tổ chức nhiều hơn. Không chỉ có vào dịp Ngày sách Việt Nam, trong năm, nhiều ngày hội sách được tổ chức, một số tỉnh, thành phố còn tổ chức đường sách… Tuy nhiên, những hoạt động này chưa thật sự có chiều sâu. Tại nhiều nơi, sau lễ khai mạc chỉ đơn thuần duy trì việc bán sách, vì thế hiệu ứng của ngày hội chưa cao. Việc giao lưu tác phẩm tác giả, và các hoạt động liên quan, trưng bày triển lãm sách, xếp sách nghệ thuật, thi kể sách, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, thi đố vui… chủ yếu được tổ chức tại các thư viện, số người tham gia cũng chưa thật đông và sự kiện chỉ tổ chức trong một thời gian ngắn chưa thực sự để lại những dấu ấn. Để khắc phục tình trạng này cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức việc đọc, quảng bá về sách báo và các dịch vụ thư viện; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm; đẩy mạnh giáo dục nâng cao kỹ năng đọc và khả năng vận dụng các kiến thức đã đọc vào cuộc sống. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh; sự chung tay của các tổ chức cá nhân trong việc tham gia phát triển văn hóa đọc. Một điều rất đáng vui mừng là ngày 15/3/2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó đã xác định một hệ thống các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể của các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan. Đó chính là những định hướng rất cụ thể để văn hóa đọc ở Việt Nam có thể chấn hưng và phát triển bền vững trong thời gian tới. PV: Để chào mừng và hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam” trên toàn quốc, Vụ trưởng có thể cho biết những hoạt động mà Bộ VHTTDL sẽ tổ chức và tham gia trong sự kiện trên? Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Để chào mừng cho sự kiện Ngày Sách 2017, trên thực tế đã có nhiều hoạt động được triển khai trên toàn quốc. Sáng 6/4, tại Công viên Thống nhất (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng”. Về phía Bộ VHTTDL, ngay từ cuối năm 2016, trong văn bản hướng dẫn cho địa phương về việc triển khai các nhiệm vụ năm 2017 đã đề cập đến việc tổ chức Ngày sách Việt Nam. Sắp tới Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ khai mạc Ngày Hội đọc sách vào ngày 20/4 và tổ chức nhiều hoạt động phong phú dành cho bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc thiếu nhi. Vụ Thư viện đã triển khai các văn bản và trực tiếp hướng dẫn cho các thư viện triển khai các hoạt động để hưởng ứng sự kiện trên. Các thư viện khắp cả nước đã gửi về Bộ VHTTDL những bản kế hoạch triển khai Ngày sách Việt Nam. Khác với những năm trước, tại nhiều địa phương, với định hướng của Bộ VHTTDL đã có sự phối hợp chặt chẽ việc tổ chức Ngày sách Việt Nam với những hoạt động nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời theo Quyết định208/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014. Vì thế, hoạt động ngày hội đọc sách năm nay tại các địa phương có chiều sâu và sự lan tỏa lớn hơn so với một số năm trước đây. PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Vụ trưởng!
Ngày sách Việt Nam 2017 sẽ có chiều sâu và sức lan tỏa lớn/Cinet.- Mỹ Hảo sưu tầm
Số lần đọc: 708
|
Tin liên quan
|