
03.10.2014
Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, của nền văn minh nhân loại, học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ của mỗi cá nhân, tập thể ... được xem như một nhu cầu tất yếu, một sự thật hiển nhiên mà không cần bàn cãi.
Trong mối quan hệ biện chứng ấy thì “Học tập” và “Học tập suốt đời” của một con người được coi như điểm khởi đầu, và trong một chừng mực nào đó, có thể nói nó không có hồi kết. Nghĩa là khi người ta còn sống, còn hít thở không khí, thì con người ta vẫn phải ăn, mặc, ở, đi lại, lao động và học hành…
Có giả thuyết cho rằng: Nhiều trẻ em, học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ấy đã sớm định hình được tính cách và tài năng, hay bộ lộ những thiên bẩm, trí óc và khả năng xuất chúng về một lĩnh vực nào đó của xã hội; để rồi sau đó, cộng với trường đời và thông qua học tập, tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu thêm để trở thành tài năng, có nhiều đóng góp cho nhân quần, cho xã hội. Điều này có thể lý giải thêm là: cũng trong thời gian 12-13 năm học tập ấy, ngoài sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các em, các thầy cô giáo còn là những tấm gương sáng, đã chỉ bảo, truyền thụ cho các em nhiều kiến thức bổ ích, hấp dẫn, cần thiết để gợi mở cho các em trí óc sáng tạo, khám phá những chân trời mới, những hiểu biết mới của thế giới.
2. “Học tập suốt đời” - Nhìn từ góc độ thư viện
Đến với bất cứ thư viện nào trên đất nước Việt Nam (kể cả các thư viện trường phổ thông hay thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, đa ngành ở nước ta), bạn sẽ được đón tiếp thân tình và chu đáo, bạn sẽ được đáp ứng tối đa những nhu cầu về sách báo, thông tin mà bạn đang quan tâm. Rồi bạn đọc sẽ được đọc sách/ tra cứu thông tin một cách thoải mái mà không bị ai quấy rầy. Những phòng đọc tràn ngập ánh sáng với những kệ sách xếp ngay ngắn, khoa học, chắc chắn sẽ giúp bạn thoải mái tư duy, liên tưởng và suy nghĩ về những vấn đề mà bạn đang quan tâm.
Vì thế, ngoài thời gian học tập trên lớp, trên giảng đường, ngoài thời gian lao động, làm việc, chúng ta có thể đến thư viện để đọc thêm sách báo, tham khảo thêm tài liệu, giáo trình v.v... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Học ở trường, học ở trong sách vở và học ở dân” cũng là hàm ý nói rằng, người ta ngoài thời gian học ở trường thì cần đọc và học nhiều ở trong sách báo. Vì sách báo và thư viện là môi trường học tập rất tốt, khá toàn diện và khá đầy đủ về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Sách báo đã được tích lũy từ đời này qua đời khác, gồm nhiều “túi khôn” của nhân loại, nay lại giúp ích cho mỗi chúng ta trong cuộc sống. Và cũng bởi chưng điều này nữa: Đời người và hiểu biết của mỗi con người thì hữu hạn, còn tri thức, kiến thức nhân loại thì mênh mông, không học thật khó nắm bắt và làm việc cho có hiệu quả - cho dù ấy là việc nhỏ nhất.
Ngày nay, trong thời đại nền kinh tế tri thức, trong tiến trình đổi mới đất nước, trong điều kiện KH&CN phát triển mạnh mẽ đã và đang trở thành lực lượng sản suất trực tiếp, thì việc học tập và học tập suốt đời đang đặt ra cho chúng ta một thách thức to lớn. Với Slogan “Học tập suốt đời là chìa khóa của mọi thành công”, đã hơn 10 năm nay, phong trào khuyến học phát triển hết sức sâu rộng trong phạm vi cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Sự nghiệp “trồng người”, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã trở thành mối quan tâm chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Sự nghiệp ấy đã phát triển mạnh mẽ, ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng dòng họ, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền... tạo nên một phong trào to lớn, có sức lan tỏa rộng rãi tới khắp các địa phương trong cả nước. Phong trào ấy không chỉ là nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể, mà nó còn là ý thức và trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Và chắc chắn trong tương lai không xa, kết quả của phong trào “học tập suốt đời” sẽ còn tiếp tục được nhân rộng trong phạm vi cả nước, trở thành nhân tố tích cực và động lực to lớn thúc đẩy nhanh, mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng ta hy vọng và trông cậy vào điều đó, bởi nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, cần cù và chịu khó; có trí óc thông minh và có nghị lực phi thường để vươn lên trong cuộc sống. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chúng ta đã luôn chiến thắng giặc xâm lăng, không lẽ gì hôm nay, chúng ta không chiến thắng được nghèo nàn và lạc hậu để “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ kính yêu kỳ vọng. Học tập suốt đời - một nhu cầu của cá nhân và xã hội /Nguyễn Hữu Giới//trang tin điện tử Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.- ngày 29/9/2014. Kim Chi sưu tầm.
Số lần đọc: 2717
|
Tin liên quan
|