
Chuyện
Bác Ba Phi : ghi chép / Anh Động. - H : Hội nhà văn, 2018. - 380tr; 21cm.
Chắc hẳn với nhiều độc
giả, nhân vật bác Ba Phi trong văn học dân gian không hề xa lạ. Nhân vật nguyên
mẫu của bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884 - 1964), là một nông dân
tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, có khiếu kể chuyện rất
phong phú và đặc sắc.
Là nhân vật chính trong
truyện, bác Ba Phi được xem như một chuyên gia “nói dóc”. Những câu chuyện ông kể lại có sức
hấp dẫn với mọi người dù nó mang tính cường điệu quá đáng nhưng nó lại có mở đầu
mộc mạc, kết thúc đầy ngẫu hứng sáng tạo và bất ngờ. Bác Ba Phi thuộc lớp hậu
duệ của những người đi khai mở vùng đất U Minh nên trong những câu chuyện kể của
ông thường mang lại cho người nghe tiếng cười sảng khoái, dù mang tính giải trí
cao nhưng không làm mất đi tính hào hùng của lớp người đi mở đất, đậm chất đặc
trưng con người Nam Bộ giàu lòng yêu thương nên có nhiều người Nam Bộ thuộc nằm lòng những
câu chuyện lưu truyền về ông.
Người đầu tiên đưa bác Ba Phi vào những trang sách, vào bài
viết là nhà văn Anh Động. Nhà văn Anh Động (1941 - 2021) tên thật là Nguyễn Việt
Tùng. Ngoài viết bút ký - truyện ngắn (Thần nước sông Cát Lớn,
Trăng tháng Chạp, Công chúa tóc thơm, Mùa khóm…), ông còn làm thơ (Sang sông, Tóc, Tình đời nhật
ký thơ…). Nhiều tác phẩm của
ông đã từng đạt giải như: Lục bình trôi (hồi ức tự truyện, giải B do Uỷ
ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức năm 2015),
Vùng biển lửa (tiểu thuyết, giải Nhì do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức năm
2015), Địa danh Kiên Giang (biên khảo, giải Ba do Hội Văn nghệ dân gian Việt
Nam tổ chức năm 2004)…
Từ trước năm 1975, chuyện về bác Ba Phi chưa có một văn bản
thành chữ nào cả, nó chỉ là nguồn văn học truyền khẩu. Đến năm 1977, nhà văn
Anh Động là người đầu tiên bắt đầu đưa nguồn văn học ấy thành văn. Những mẩu
chuyện vui về bác Ba Phi đăng trên báo Văn Nghệ (TP.HCM). Từ đó, nhân vật bác
Ba phi được khai thác triệt để. Những câu chuyện về bác Ba Phi được nhiều nhà
xuất bản cho ra đời với số lượng khổng lồ, bằng nhiều thể loại văn học nghệ thuật,
bằng nhiều hình thức như truyện, vẽ tranh, tiểu thuyết, kịch bản phim, in sách
khổ nhỏ bỏ túi…
Không dừng lại ở đó, nhà văn Anh Động cùng vợ là bà Nguyễn Mỹ
Hồng tiếp tục viết truyện về bác Ba Phi theo thể loại ghi chép. Sách được Hội
Nhà văn xuất bản với tên gọi “Chuyện bác Ba Phi - ghi chép”. Sách dày 380 trang
được in trên khổ 21cm gồm 69 mẩu chuyện như Thằng Đậu tập nói dóc, Rồng chửa cứu
ếch nên mắc bẫy, Nói dóc ra tầm cỡ quốc tế, Ba phi sáng chế máy bay liên hợp,
Chim và chuột U Minh, Cọp xay lúa, Theo dấu vợ thằng Đậu, Thổ Địa du xuân….
Trong tác phẩm này, tác giả đã cho nhân vật bác Ba Phi vượt thời gian, không
gian ra toàn huyện Trần Văn Thời; qua nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi; không
còn gò bó nhân vật bác Ba Phi ở xã Khánh Bình chỉ biết kể chuyện của bản thân
mà cho các nhân vật mang “hội chứng Ba Phi” tức là mỗi nhân vật trong câu chuyện
đều có chất “Ba Phi” riêng. Từ nếp ăn nếp ở, vui chơi giải trí, lao động sản xuất,
sinh hoạt văn hoá tinh thần đều tập trung vào tiêu chí “Ba Phi nhẹ nhàng, hài hước, ngoa dụ”.
Đặc biệt, trong sách này còn có bài viết “Bác Ba Phi, người đồng
hương” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Mỹ Hồng. Bài viết này sẽ cung cấp cho chúng ta
thêm nhiều thông tin bổ ích, những câu chuyện về việc “bác Ba Phi cứu nguy -
tài trợ” cho gia đình nhà văn Anh Động, chuyện về “con cá rô mề ăn cau tầm
vung” hay giải thích ý nghĩa cụm từ “đồ
khến bác Ba Phi” là như thế nào…
Hiện nay Thư viện tỉnh Kiên Giang đang trưng bày rất nhiều
tác phẩm của cố nhà văn Anh Động trong đó có “Chuyện bác Ba Phi - ghi chép”,
thân mời quý độc giả đến tìm đọc.