
Kích hoạt trí não
- Mở rộng bộ nhớ/ Yasuyuki Taki; Duy Ngọc dịch. - In lần thứ 1. - T.P Hồ Chí
Minh: Trẻ, 2022. 232tr. ; 20.5cm.
Quý độc giá thân mến! Nhiều người
tin rằng, con người càng lớn tuổi thì trí nhớ càng sa sút và không thể nào rèn
luyện được trí não. Tuy nhiên, tác giả Yasuyuki Taki, một chuyên gia
nghiên cứu về não bộ, đã chỉ ra rằng có nhiều phương pháp để nâng cao năng lực
tư duy của bộ não dù cho chúng ta ở bất kỳ lứa tuổi nào. Các phương pháp này được
tác giả tổng hợp và minh chứng qua quyển sách nổi tiếng Kích hoạt trí não - Mở rộng bộ nhớ mà Thư viện tỉnh Kiên Giang muốn
giới thiệu với quý độc giả xa gần. Sách dày 232 trang, in trên khổ 20,5cm, do
Nhà xuất bản Trê phát hành năm 2022.
Theo tác giả,
điều tiên quyết cho sự phát triển của não bộ là cần tránh những thói quen sinh
hoạt xấu trong cuộc sống thường ngày. Bên cạnh việc loại bỏ các yếu tố gây
stress, một yếu tố cần làm để tăng tốc sự phát triển của não chính là “lòng hiếu kỳ”. Lòng hiếu kỳ rất quan trọng
trong việc thúc đẩy sự phát triển của não bộ không chỉ của trẻ em, mà còn cả
não người lớn. Thực tế, từ khi còn bé, những đứa trẻ đều thích bắt chước theo
hành động của người lớn và luôn tìm tòi, học hỏi mọi thứ xung quanh. Như vậy,
có thể thấy rằng, chức năng cơ bản của não người là khao khát thông tin - tri
thức - những cảm giác mới mẻ. Tác giả nhấn mạnh rằng, những tính chất này của
não không hề thay đổi ngay cả khi chúng ta đã lớn lên.
Những người học
cao không phải vì từ đầu họ có một bộ não siêu việt, mà họ học cao được là nhờ
trong thói quen sinh hoạt thường ngày của họ có những nguyên nhân giúp cho não
luôn duy trì được trạng thái trẻ trung. Điều này là do họ có thói quen luôn sử dụng não trong công việc và cuộc
sống thường ngày. Còn những người có học lực thấp và bộ não già nua là vì môi
trường sống của họ hàng ngày không kích thích não hoạt động nhiều. Việc phát
triển của não hoàn toàn không phụ thuộc vào học lực hay tuổi tác, đó là một sự
thật mà ai trong chúng ta cũng cần phải biết. Như vậy, chìa khóa cho sự phát
triển của não chính là “Lòng hiếu kỳ đối với tri thức”, không liên quan đến tuổi
tác hay trình độ học vấn.
Đến tuổi trưởng
thành thì việc ngồi ngay ngắn trước bàn học và nuốt từng lời của giáo viên như
thời học sinh sẽ không phát huy tác dụng, mà thay vào đó chúng ta phải tự chọn
những gì có thể hữu ích cho việc kích thích tính hiếu kỳ của bản thân. Để làm
được điều này thì mỗi người phải tự quyết định học tập cái gì, ở đâu, từ ai,
khi nào và như thế nào. Chỉ cần suy nghĩ “Mình nên học gì đây” thì bạn đã bắt đầu
quá trình ngăn chặn sự lão hóa của não rồi.
Ngạn ngữ Nhật
có câu “Diều hâu sinh ra chim ưng” để ví von những đứa con kiệt xuất được sinh
ra từ những ông bố, bà mẹ bình thường nhất, và câu này đã được khoa học chứng
minh, rằng sự thay đổi môi trường sẽ làm thay đổi cách thức phát triển của não
bộ một cách mạnh mẽ như thế nào.
Như vậy, sự
chênh lệnh giữa các bộ não phụ thuộc vào môi trường và ý chí của mỗi người.
Nhiều người
thường cảm thấy khó khăn khi bắt đầu thực hiện việc học, ví dụ như cần phải tìm
thư viện, góc học tập, bố trí thời gian học…Những điều này sẽ tạo ra trở ngại lớn
để bắt đầu việc học. Điều bạn cần làm là học tập mọi lúc, mọi nơi để gỡ bỏ các
rào cản này. Thêm vào đó, bạn cũng cần phải ngủ đầy đủ thì mới có thể tiếp thu
đầy đủ kiến thức nạp vào.
Nói về tài liệu
học tập, tác giả chỉ ra một mẹo nhỏ để mọi người có thể học tốt kiến thức của một
lĩnh vực, đó là học từ sách của trẻ em và các tài liệu luyện thi. Ví dụ, để tìm
hiểu về khủng long, các loại sách về khủng long dành cho thiếu nhi sẽ có những
kiến thức cơ bản, đầy đủ, kèm theo nhiều hình ảnh minh họa sinh động, chi tiết
nhất. Còn nếu bạn muốn tìm hiểu về y học thì có thể đọc các sách luyện thi
ngành y của học sinh thi đại học, sẽ có cái nhìn bao quát hơn về lĩnh vực này.
Trước khi bắt
đầu việc học một lĩnh vực gì đó, chúng ta cần đào sâu lý do vì sao chúng ta muốn
học và tìm ra câu trả lời chính xác nhất có thể. Ví dụ như việc định hướng cho học
sinh muốn học ngành y, chúng ta không nên lấy việc được vào ngành y là mục tiêu
phấn đấu, mà cần phải chỉ cho các em thấy được niềm vui các em nhận được khi
làm việc ngành y là gì, ví dụ như có thể nghiên cứu các công trình khoa học, cứu
giúp nhiều người ở nhiều nước…chứ không phải là việc đậu ngành y hay việc trở
thành bác sĩ.
Một phương
pháp học tập hữu hiệu khác được tác giả đưa ra, đó là học tập bằng hình ảnh, điều
này sẽ được lưu giữ tốt hơn trong não bộ. Bạn cũng nên học bằng cách “bắt chước”,
tức là thực hành theo những động tác mà những người thầy, những chuyên gia
trong lĩnh vực nào đó mà bạn cần học hỏi, như vậy hiệu quả sẽ tăng cao hơn.
Ngoài ra, cách học bằng liên tưởng, tạo ra câu chuyện (liên kết giữa thông tin
mới và thông tin đã biết) cũng sẽ giúp bạn nhớ nhanh và nhớ lâu dài hơn.
Còn nhiều thông tin thú vị và hữu
ích khác mà tác giả đã nghiên cứu và trình bày
trong quyển sách Kích hoạt trí não
- Mở rộng bộ nhớ. Dù
là trẻ em hay người lớn thì khả năng của não bộ là vô hạn. Tác giả mong muốn rằng
cuốn sách này sẽ giúp nhiều người lớn nhận ra điều này và giải phóng năng lực của
mình. Quyển sách thú vị Kích hoạt trí não - Mở rộng bộ nhớ đang được trưng bày tại Thư viện
tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc./.