
Phát triển du lịch nội địa ở việt nam Nguyễn Văn Lưu. - H : Thể thảo và Du
lịch.160 tr; 21 cm.
Quý độc giả thân mến! Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể
thiếu đối với nhiều người và là một ngành kinh tế quan trọng ở nhiều quốc gia,
trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc hiểu rõ về bản chất của du lịch là điều cơ bản,
cần thiết nhằm đưa ra những định hướng, chính sách hợp lý cho du lịch ngày càng
phát triền, đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương và cả nước.
Cuốn sách Phát triển du lịch nội địa ở Việt Nam trang bị cho người đọc
những kiến thức cơ bản về du lịch, đưa ra những giải pháp cụ thể để phát triển
du lịch ở Việt Nam. Những kiến thức này cũng rất hữu ích cho những độc giả quan
tâm đến văn hóa, xã hội, du lịch và có thể áp dụng để phát triển kinh tế tư
nhân gắn với các hoạt động du lịch của địa phương mình. Sách dày 160 trang, in trên khổ 21 cm, do Nhà xuất bản
Thể thao và Du lịch phát hành năm 2022.
Quyển sách gồm 6 chương với rất nhiều khái niệm, kỹ năng về du lịch, các
chính sách, pháp luật có liên quan đến du lịch, các khuyến nghị, giải pháp cụ
thể, những dẫn chứng, kinh nghiệm từ nước ngoài, các sản phẩm, mô hình du lịch
có tiềm năng lớn ở Việt Nam...
Theo quyển sách, du lịch có thể hiểu là sự di chuyển của con người khỏi nơi
cư trú thường xuyên để thỏa mãn các nhu cầu tham quan, khám phá, giải trí, nghỉ
dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. Du lịch còn là một lĩnh vực kinh
doanh các dịch vụ nhằm thỏa mãn các nhu cầu nảy sinh của người dân trong quá
trình di chuyển, nghỉ ngơi của chuyến đi.
Trong những năm qua, tình hình đại dịch vừa kết thúc không lâu, kinh tế thế
giới có nhiều biến động nên tác động không nhỏ đến ngành du lịch trên thế giới
nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó cũng là khoảng thời gian mà các nhà quản
lý, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, người làm kinh doanh du lịch đưa ra
nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển ngành du lịch ở Việt Nam.
Những giải pháp mà nhóm tác giả đã đưa ra trong quyển sách này rất cụ thể,
thiết thực, bao gồm những giải pháp sau đây:
Nhà nước cần tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như
ưu đãi về thuế, chủ trương đầu tư, cho thuê đất giá hợp lý, cho vay kinh doanh
lĩnh vực du lịch với lãi suất ưu đãi, có các gói chính sách ưu đãi tiệm cận với
thế giới, đưa ra điều kiện vay vốn riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực...
Hiện nay ngành du lịch nước ta có ba thị trường chính, đó là du lịch
inbound (đưa khách quốc tế đến Việt Nam), du lịch outbound (đưa khách Việt Nam
ra nước ngoài) và du lịch nội địa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại hình du lịch đưa
khách Việt Nam ra nước ngoài vẫn chưa được quan tâm, quản lý đúng mức, do đó thời
gian tới cần quản lý tốt hơn để phát triển loại hình du lịch đầy tiềm năng này,
nhằm phát triển đồng bộ nền kinh tế du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế,
xã hội đất nước.
Thời gian tới, cần tiếp tục quy hoạch đô thị du lịch và chiến lược phát triển
du lịch. Để làm được điều này, cần phải đưa ra các giải pháp đột phá, mạnh dạn
thí điểm các mô hình, cơ chế mới, học hỏi mô hình du lịch của các nước phát triển
như Singapore.
Chú trọng phát triển mô hình du lịch sinh thái, xây dựng các điểm đến xanh,
xây dựng các khu du lịch mang tầm quốc tế; đầu tư phát triển các mô hình du lịch
nông thôn theo đặc trưng từng vùng, miền, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và bản
đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc. Ngoài ra du lịch tâm linh cũng
là một thế mạnh của Việt Nam, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến
tham quan, hành hương, do đó cần chú trọng quản lý các vấn đề phát sinh liên
quan đến các khu du lịch này, đảm bảo chất lượng, an toàn cho du khách để thu
hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến Việt Nam.
Quyển sách Phát triển du lịch nội địa ở Việt Nam là một cuốn
cẩm nang cần thiết và hữu ích cho độc giả, đặc biệt là đối với các bạn đang là
những sinh viên, người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, du lịch để bổ sung những
kiến thức cần thiết trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Quyển sách này đang được
trưng bày tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan và
tìm đọc./.