
Giới thiệu sách: Về quê ăn tết/ Dương
Hoàng Lộc - H.: Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2021. - 152tr.; 21cm.
Quý bạn đọc thân mến! Mỗi năm một lần,
có lẽ Tết là dịp gia đình sum họp, vui vầy bên nhau đầy đủ nhất. Truyền thống ấy
đã in sâu qua bao thế hệ người Việt, để khi Tết đến xuân về, ai cũng mong chờ
khoảnh khắc đoàn viên về với hơi ấm tình thân vì đây là điều ấm áp và thiêng
liêng nhất của Tết. Cùng chung dòng cảm xúc đó, Thư viện tỉnh Kiên Giang trân
trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách “Về quê ăn tết” của tác giả Dương Hoàng
Lộc, sách dày 149 trang, in trên khổ 21cm, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố
Hồ Chí Minh ấn hành năm 2021.
Quyển sách tập hợp 19 bài viết, tác
giả Dương Hoàng Lộc đã miêu tả về cảnh vật, con người, cảnh sinh hoạt Tết của
người dân Nam bộ. Qua lời văn của mình, tác giả phác họa sinh động, chân thật
và gần gũi, tin rằng khi đọc qua sẽ làm bạn đọc bồi hồi, xúc động khi nhớ về
quê hương và gia đình. Đọc “Về quê ăn Tết”, bạn đọc sẽ cảm nhận được hương vị Tết
của mảnh đất Ba Tri - nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả; và sẽ biết thêm về
cách ăn Tết ở miệt vườn Lái Thiêu và Cái Mơn hay đặc biệt hơn là được theo chân
của tác giả qua từng trang sách đi đến tận cửa sông Đốc của mảnh đất Cà Mau -
nơi cuối cùng của đất nước. Với những dòng viết và miêu tả của tác giả, bạn đọc
sẽ có thể chu du ăn Tết trên cái lạ, cái hay của miền Nam nước ta. Bạn đọc sẽ cảm
nhận được bức tranh ngày Tết căng tràn nhựa sống vào mỗi độ xuân về như: ở miệt
vườn Lái Thiêu vốn nổi tiếng trước giờ là xứ sở của những vườn cây sầu riêng,
măng cụt và dâu sum suê, trĩu quả; ở miệt vườn Cái Mơn thì gắn với nghề trồng
hoa kiểng; hay mảnh đất Ba Tri tỉnh Bến Tre, nơi nổi tiếng là “xứ sở dừa Việt
Nam”,…
Lật mở gần 150 trang sách, bạn đọc sẽ còn được đắm chìm trong
phong vị ẩm thực ngày Tết vô cùng đa dạng qua các bài viết như: “Món ăn ngày Tết
ở Nam bộ” bạn đọc sẽ hiểu hơn về ý nghĩa các món ăn, thịt kho tàu hay còn gọi
là thịt kho rệu, thịt kho trứng món ăn tượng trưng cho mọi điều vuông tròn, trọn
vẹn; khổ qua dồn thịt món ăn tiễn biệt những điều khổ đau, muộn phiền trong năm
cũ, mong chờ những điều may mắn, tốt đẹp hơn ở năm mới; ở bài viết “Bánh tét
ngày Tết” - một món ăn “linh hồn của Tết” với nhiều loại nhân như: bánh tét ngọt,
bánh tét mặn, bánh tét chay; hay đến bài viết “Hương vị mứt Tết miền Nam” người
đọc sẽ biết được các loại mứt Tết (mứt gừng, mứt dừa, mứt chuối, mứt me, mứt
mãng cầu,…). Có thể nói, mỗi món ăn ngày Tết đều mang đặc trưng, ý nghĩa riêng
nhưng tất cả đều thể hiện lòng thành kính mà con cháu muốn tri ân, dâng lên ông
bà, tổ tiên với mong ước an lành, sung túc, đầy đủ và ấm no trong năm mới.
Đặc biệt, đọc “Về quê ăn Tết”, bạn đọc sẽ được tìm hiểu và có
cái nhìn sâu sắc hơn về những phong tục tập quán ngày Tết như: tục đưa ông Táo
về trời vào ngày 23 tháng Chạp, chưng hoa ngày Tết (hoa mai, hoa vạn thọ), cúng
Tất niên, chưng mâm ngũ quả, cúng giao thừa, xông đất, hành hương đầu năm, hái
lộc đầu xuân, ăn chay ngày Tết, chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ,... Những
phong tục Tết cổ truyền của người Việt đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận
bây giờ, đã trở thành một thói quen, nếp sống và là truyền thống, nét đẹp trong
văn hóa ngày Tết.
Quý bạn đọc thân mến! Đọc “Về quê ăn Tết” của Dương Hoàng Lộc, tin rằng người đọc không chỉ tìm về với hồn quê, với những kỷ niệm của tuổi thơ một thời, mà còn là lời nhắc chúng ta biết trân quý, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống, bởi đó là linh hồn là bản sắc của dân tộc Việt. Hiện quyển sách đang được trưng bày và phục vụ tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, thân mời quý bạn đọc đến tìm đọc.