
Những tài
liệu hiện vật kể chuyện Bác Hồ /
Sưu tầm, biên soạn: Vũ Thị Kim Yến. - Hà Nội : Nxb. Hà Nội,
2021.187tr; 21cm.
Quý độc giả
thân mến! Khu Di tích lịch sử về Bác tại Phủ Chủ tịch (sau đây gọi tắt là Khu
Di tích) là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong suôt 15 năm cuối đời (1954 -
1969) và cũng là nơi Bác trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và
bạn bè quốc tế. Trong Khu Di tích có nhiều hiện vật, tài liệu chứa đựng những nội
dung lịch sử khác nhau và là những minh chứng thuyết phục về tư tưởng, đạo đức,
lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Bác cho sự nghiệp cách mạng,
cho hạnh phúc của nhân dân. Sau khi Bác đi xa, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã
quyết định giữ gìn và bảo quản tốt các hiện vật ở Khu Di tích tại Phủ Chủ tịch
để bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao lo lớn của Người.
Cuốn sách Những tài liệu, hiện vật kể chuyện Bác Hồ là
một tâp hợp nhiều câu chuyện kể, bài viết cả các cán bộ Khu Di tích Chủ tịch Hồ
Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, những người luôn giữ gìn, bảo vệ các hiện vật liên
quan đến Bác trong suốt mấy chục năm qua. Qua đó, có thể góp phần phục vụ công
tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh đến đông đảo bạn đọc và nhân dân. Sách dày 187 trang, in trên
khổ 21 cm, do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2021.
Mở đầu là câu
chuyện nổi tiếng về Đôi dép cao su của
Bác Hồ. Đôi dép cao su của Bác đã đi vào thơ ca, nhạc, họa như là một vật huyền
thoại. Đôi dép của Bác được cắt từ chiếc lốp ô tô quân sự, là chiến lợi phẩm
trong trận phục kích địch tại Việt Bắc. Bác đã dùng đôi dép này để đi mọi nơi,
để trèo đèo, lội suối, vượt đường trơn, dốc cao. Bác cho phổ biến trong toàn mặt
trận, thay thế dần giày vải, dép rơm, dép mo cau…Khi về Hà Nội, anh em thấy dép
cao su của Bác bị mòn nên đã thực hiện “kế hoạch” làm cho Bác đôi dép mới.
Không ngờ, Bác cất đôi dép mới đi và vẫn sử dụng đôi dép cũ đã mòn. Đến khi Bác
thăm một đơn vị hải quân, bộ đội mừng quá chen chúc nhau nên làm tuột đôi dép của
Bác. Bác lại yêu cầu người nào khéo tay, sửa dép lại cho Bác, dù dép đã mòn vẹt.
Một chiến sĩ đã sửa lại cho Bác đôi dép cũ bằng cách cố định đinh vào đế dép. Mọi
người đều muốn Bác đổi dép mới nhưng Bác lại bảo: “…giờ đi mua đôi dép khác là
không cần thiết, vẫn dùng được sao lại vất đi, dân ta còn nghèo, mỗi người kể cả
Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm”.
Một câu chuyện
khác cũng thể hiện đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ, đó là chiếc ô tô Pôbêđa
đã phục vụ Bác trong suốt thời gian từ năm 1957 đến năm 1969. Chiếc ô tô Pôbêđa
là một trong những chiếc xe do Chính phủ Liên Xô tặng cho Việt Nam vào năm
1955. Đến năm 1957 thì Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao đã chuyển chiếc xe sang Văn
phòng Phủ Chủ tịch để phục vụ Bác Hồ. Đến năm 1960, Chính phủ Liên Xô lại tặng
cho ta một số xe ô tô hiệu Vonga đẹp hơn về kiểu dáng, tốt hơn về tính năng so
với chiếc Pôbêđa. Các đồng chí trong Văn phòng xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh
cho sử dụng loại xe mới này để phục vụ Bác nhưng Bác từ chối vì muốn dành xe tốt
cho các đồng chí làm công tác ngoại giao. Dù đôi lúc xe bị hỏng nhưng Bác vẫn đợi
đồng chí lái xe sửa chữa chứ nhất quyết không đổi xe mới. Bác vẫn dùng chiếc xe
Pôbêđa cũ kỹ cho đến ngày Bác đi xa.
Nhà sàn Bác Hồ
là một di tích đặc biệt quan trọng trong quần thể Khu Di tích Phủ Chủ tịch - là
nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời cách mạng
của mình, kéo dài 11 năm (từ 1958 đến 1969). Tại đây, Bác đã sống cuộc đời giản
dị, khiêm tốn và góp phần quan trọng trong thắng lợi của cách mạng giải phóng
dân tộc. Chính vì vậy, các tài liệu, hiện vật ở nơi đây về cơ bản vẫn được giữ
như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh để các tầng lớp nhân dân có thể đến viếng
thăm và tìm thấy những bài học quý giá, thiết thực, một tấm gương hiện hữu để
noi theo. Một trong số những hiện vật mà khách tham quan được tận mắt nhìn thấy
khi đến thăm ngôi nhà sàn, đó là chiếc máy đánh chữ hiệu “HERMES BABY”. Đây là
được xem như là một người bạn thân thiết của Bác Hồ lúc sinh thời, vì Bác sử dụng
máy này làm việc trong suốt khoảng 15 năm, đã soạn thảo nhiều bài báo, tài liệu
quan trọng cho sự nghiệp cách mạng. Nhiều bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh
Đăng Định chụp lại khi Người đang sử dụng chiếc máy đánh chữ này. Hiện nay, tại
Khu Di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ nhiều bài viết,
tác phẩm do Bác tự tay đánh máy bằng chiếc máy “HERMES BABY”, như: Bài viết Cần kiệm, Bác ký bút danh Trần Lực, đăng
trên báo Nhân dân tháng 11/1959; Bản Di
chúc ngày 15/5/1965; bài “Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa
cá nhân” ngày 3/2/1969; Bài viết Tết trồng
cây đăng trên báo Nhân dân số 5411, ngày 5/2/1969…
Đã hơn 50 năm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, chiếc máy đánh chữ “HERMES BABY” vẫn được đặt ở vị
trí vốn có của nó như khi sinh thời của Bác. Thông qua hiện vật này và các hiện
vật khác trong Khu Di tích, khách tham quan hiểu hơn về một con người suốt đời
hy sinh, phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Khi nói về
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng,
một người học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết,
đó là “cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ,
hy sinh, vô cùng cao thượng, phong phú, vô cùng trong sạch và đẹp đẽ”.
Quyển sách ý
nghĩa Những tài liệu, hiện vật kể chuyện Bác Hồ đang được trưng bày
và giới thiệu tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan
và tìm đọc./.