
Giới thiệu sách: Đọc sách và con đường
gian nan vạn dặm/ Nguyễn Quốc Vương. - H. : Phụ nữ Việt Nam., 2022. -392tr. ;
18cm
Quý bạn đọc thân mến! Đọc sách, cũng
như việc giáo dục con người, là một hành trình dài hơi và cần sự kiên trì. Nếu
mỗi ngày bạn chưa thể dành ra 30 phút để đọc, thì chỉ cần bắt đầu với 5 hay 10
phút cũng đã là một khởi đầu quý giá. Điều quan trọng không nằm ở thời lượng,
mà ở sự bền bỉ và đều đặn theo thời gian. Thư viện tỉnh giới thiệu đến quý bạn
đọc quyển sách có tựa đề “Đọc sách và con đường
gian nan vạn dặm” của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Đây là một tác phẩm sâu sắc về
hành trình gieo mầm thói quen đọc trong mỗi người, nhất là với thế hệ trẻ hôm
nay. Sách dày 392 trang, in trên khổ 18cm, do nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn
hành năm 2022.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm
1982 tại Bắc Giang và đã có 8 năm học tập, nghiên cứu về Giáo dục lịch sử tại
Nhật Bản. Dành phần lớn thời gian cho công việc viết sách và dịch thuật, đến
nay tác giả đã có hàng chục cuốn sách viết về nhiều lĩnh vực như lịch sử học,
văn hóa đọc, giáo dục trường học… được xuất bản. Tác giả là người có tâm huyết
với phong trào khuyến đọc và là một diễn giả hoạt động sôi nổi ở lĩnh vực khuyến
đọc tại Việt Nam.
Quyển sách “Đọc sách và con đường
gian nan vạn dặm” là những trải nghiệm, suy tư, trăn trở của tác giả về thực trạng
giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam. Bằng những trải nghiệm của cá nhân, cũng
như những nghiên cứu, khảo luận và quan sát, tác giả mong muốn có thể chia sẻ
và được đồng hành với việc phát triển văn hóa đọc cũng
như đóng góp cho sự thay đổi giáo dục nước nhà. Cuốn sách gồm nhiều bài viết là
những bài phát biểu tại các buổi nói chuyện về sách, giáo dục hay những phỏng vấn
báo chí thể hiện sự dấn thân và tâm huyết của tác giả đối với sự phát triển văn
hóa đọc cũng như thay đổi nhận thức, tư duy giáo dục. Với nội dung được chia
làm 3 phần:
Phần một: Đọc sách, trải nghiệm và lẽ
sống của tuổi trẻ
Phần hai: Giáo dục trường học và “cải
cách từ dưới lên”
Phần ba: Kinh nghiệm phát triển văn
hóa đọc ở Nhật Bản
Trong quyển sách này tác giả cũng
công bố bản dịch hoàn chỉnh các văn bản luật, quy định của Nhật Bản liên quan tới
tổ chức thư viện, khuyến đọc và phục hưng văn hóa đọc. Cùng với hai bài khảo
sát thực trạng đọc sách tại Nhật Bản, hệ thống văn bản này cung cấp một tham
chiếu độc đáo đối với Việt Nam hiện nay trong nỗ lực cải thiện và nâng cao dân
trí nói chung thông qua khuyến đọc. Vì vậy, bên cạnh việc truyền cảm hứng đọc
sách, quyển sách còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho
mọi bạn đọc về quá trình phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.
Quý bạn đọc thân mến! Hiện nay có khá
nhiều tác phẩm bền bỉ lan tỏa tình yêu với sách và những giá trị nhân văn sách
mang tới cho nhân loại, và quyển sách “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”
là tác phẩm như vậy.
Lật mở qua từng trang sách, tin rằng
bạn đọc sẽ thích cách tiếp cận không tách rời việc đọc sách với hoạt động giáo
dục của tác giả. Tác giả đã chia sẻ rõ quan điểm: giáo dục không thể tách rời
khỏi việc đọc (không chỉ dừng ở việc đọc sách, năng lực đọc có thể tiến xa hơn
nữa đến những lĩnh vực khác trong đời sống). Vậy nên chú tâm phát triển năng lực
đọc là một phần quan trọng trong giáo dục nhân cách. Theo tác giả “chỉ con người
mới có sách và có đặc quyền đọc - các động vật khác trên hành tinh hình như
không có/không cần năng lực này”. Với tác giả, đọc sách sẽ mang lại những ích lợi
cho cá nhân như sau: Đọc sách là trải nghiệm đầu đời quan trọng và đầy ý nghĩa;
Đọc sách chính là học; Đọc cũng hỗ trợ tốt cho giáo dục nghề nghiệp và nâng cao
trình độ nghề nghiệp…
Có một thông điệp trong quyển sách sẽ
khiến người đọc ấn tượng “Hãy bắt đầu với các bạn trẻ một cách nhẹ nhàng: đọc
sách giúp chúng ta giải trí một cách lành mạnh. Con người không thể loại bỏ nhu
cầu giải trí cũng giống như loại bỏ nhu cầu ăn uống. Nhưng chúng ta có quyền chọn
loại thực phẩm/loại hình giải trí xứng đáng để thưởng thức”. Thông điệp này
không chỉ nhấn mạnh vai trò của việc đọc sách như một hình thức giải trí tích cực,
mà còn gợi mở cách tiếp cận gần gũi, tự nhiên với việc khuyến đọc, đặc biệt là
với giới trẻ. Khi việc đọc không còn là nghĩa vụ, mà trở thành niềm vui, một phần
trong đời sống hằng ngày, thì thói quen ấy mới thực sự bền vững.
Quý bạn đọc thân mến! Tạm thời chưa
bàn đến những phương pháp, công nghệ hiện đại hay nhưng triết lý giáo dục ngàn
xưa, có lẽ điều giản đơn nhất mà chúng ta nên làm và có thể làm là khuyến đọc
cho chính bản thân mình, con em của mình và những người xung quanh. Muốn có kết
quả, chúng ta cần hành động thay vì dừng lại ở việc ngẫm nghĩ. Những hành động
nhỏ nhưng thiết thực, kịp thời sẽ mang lại những kết quả lớn. Thân mời bạn đọc
đến Thư viện để tìm đọc quyển sách “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”,
sách hiện đang được trưng bày và phục vụ tại Thư viện tỉnh.