
Kỹ năng đối phó thú dữ tấn công
Phạm Văn Nhân. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2022. 207 tr: ảnh; 21
cm.
Quý độc giả thân mến! Thế giới động vật vô cùng đa dạng, phong phú và chứa
đựng nhiều điều lý thú. Bên cạnh một số loài vật thân thiện, an toàn với con
người, còn có rất nhiều loài vật hung dữ, sẵn sàng tấn công con người trong một
số tình huống. Vậy ta cần phải làm gì để ngăn ngừa, phóng tránh sự tấn công của
các loài động vật? Quyển sách Kỹ năng đối phó thú dữ tấn công sẽ trang bị
cho quý độc giả những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng ngừa, ngăn chặn, đối
phó với sự tấn công của thú dữ trong tự nhiên cũng như trong cuộc sống hàng
ngày. Sách dày 207 trang, in trên
khổ 21 cm, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2022.
Bên cạnh những lợi ích to lớn do động vật mang lại cho con người, thì chúng
cũng gieo không ít tai ương và nguy hiểm cho con người. Sự tấn công này có thể
bắt nguồn từ các loài động vật hoang dã như sư tử, hổ, báo, heo rừng,
voi...nhưng cũng có thể là những động vật tưởng chừng như đã được thuần hóa như
gia súc, gia cầm, thú cưng...mà bản tính hoang dã của chúng trỗi dậy, dẫn đến
những vụ tấn công chủ hay cư dân, gây nên những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe,
tính mạng cho con người.
Tâm lý chung của chúng ta khi bị thú dữ tấn công là hoảng sợ và bỏ chạy,
ngay cả khi đối mặt với cuộc tấn công của một con chó nhà. Tuy nhiên, làm như
thế thì bạn đã kích thích bản năng săn mồi của con thú, có nghĩa bạn là con mồi của nó và nó sẽ truy đuổi. Hơn nữa,
việc bỏ chạy sẽ báo cho con thú biết là bạn đang sợ nó, do đó con thú sẽ mạnh dạn
hơn trong việc tấn công bạn. Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần phải làm trong tình
huống này, đó là giữ bình tĩnh. Có như thế bạn mới sáng suốt, tỉnh táo để có những
phản ứng thông minh nhằm đối phó với con thú và bảo vệ thân thể, tính mạng của
mình.
Một tình huống thường gặp trong cuộc sống, đó là bị chó cắn, có thể là chó
nhà hay chó hoang. Để phòng tránh việc bị chó tấn công, tác giả chia ra thành bốn
phần: Né tránh một cuộc tấn công; Phòng thủ và bảo vệ bản thân; Xử lý hậu quả;
Đề phòng chó tấn công.
Để né tránh một cuộc tấn công khi gặp tình huống này, việc đầu tiên
bạn cần làm là phải giữ bình tĩnh, không hoảng sợ. Chó và các động vật
khác có thể cảm nhận được sự sợ hãi của bạn, nếu bạn hoảng sợ và bỏ chạy thì sẽ
kích thích tính hung hãn của con chó, nó sẽ tự tin hơn trong cuộc tấn công. Tốt
nhất là bạn đứng yên tại chỗ, ép sát hai bàn tay bên mình, tránh nhìn trực
trừng trừng vào con chó, có thể nó sẽ mất hứng và bỏ đi. Không vung tay, đá
chân để xua đuổi chó. Không được bỏ chạy, vì bỏ chạy sẽ kích thích bản
năng săn mồi của con chó, hơn nữa, bạn cũng khó có thể chạy nhanh hơn một con
chó. Tiếp theo, bạn có thể đánh lạc hướng con chó bằng một vật khác, vì
dụ như quăng cái ba lô, cái áo khoác hay cái chai để đánh lạc hướng nó và đủ thời
gian để bạn trốn thoát.
Để phòng thủ và bảo vệ bản thân, bạn thực hiện những điều sau: Ra
lệnh cho con chó “Quay lại” nếu nó tiếp tục thái độ hung hăng; chiến đấu
chống lại chó nếu nó đã tấn công, dùng bất cứ vật cứng gì để đánh nó, đánh
vào những vị trí như cổ họng, mặt, mũi, đồng thời không ngừng kêu cứu. Chú ý bảo
vệ vùng khuôn mặt, ngực và cổ.
Tiếp theo, bạn cần xử lý hậu quả nếu đã bị chó tấn công. Bạn phải rửa
sạch vết thương nhiều lần bằng xà phòng, sát trùng bằng dung dịch cồn hoặc i ốt.
Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để nhờ y bác sĩ hỗ trợ kịp thời. Sau đó phải
đi tiêm ngừa bệnh dại trong vòng hai ngày.
Để đề phòng chó tấn công, bạn cần phải nắm những dấu hiệu cảnh báo:
chó gầm gừ, cúi thấp đầu, nhe răng; hai mắt trợn ngược, hai tai kéo ngược ra
phía sau...Ngoài ra cần tránh khiêu khích chó, tránh xa những con chó hoang.
Một con vật khác mà một số người đã bị chúng tấn công khi đi dã ngoại hoặc
khi về quê, khi làm vườn, làm ruộng, đó là bị loài rắn và sự tấn công của rắn.
Đầu tiên nếu đã bị rắn cắn thì chúng ta nên xem xét đó là loại rắn có độc hay
không độc. Dựa vào vết cắn, chúng ta có thể phân biệt được điều này. Rắn không
có độc thì vết cắn của chúng để lại dấu của hai hàm răm, không có vệt răng
nanh, vết cắn chảy máu, sưng đỏ hồng nhưng ít đau nhức. Ngược lại, rắn có độc sẽ
để lại vết cắn có một hoặc hai lỗ nhỏ do hai răng cửa hàm trên, vết cắn rắn độc
thường ít chảy máu, sưng phù màu xanh tím, đau nhức dữ dội. Khi bị rắn độc cắn,
hãy bình tĩnh, càng ít cử động càng tốt. Nếu bị cắn ở chân thì không nên đi lại,
dù chỉ một bước. Cần sơ cứu ngay lập tức, tiến hành trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Các bước sơ cứu bị rắn độc cắn như sau: Động viên nạn nhân bình tĩnh, bớt
lo lắng, gọi ngay 115. Không để bệnh nhân đi lại, cố định vết cắn bằng nẹp, vì vận
động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. Áp dụng biện pháp băng
ép cố định nếu bị các loài rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa,
rắn biển...), vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất, có thể hô hấp
nhân tạo nếu gặp triệu chứng khó thở. Cần thận trọng khi sử dụng các phương
pháp dân gian như: hút nọc độc, đặt ga rô, chích, châm, chọc tại vùng vết cắn,
chườm đá...Cách tốt nhất vẫn là sơ cứu khẩn cấp và đưa bệnh nhận đến bệnh viện
nhanh chóng nhất.
Trên đây là 2 loài vật mà tỉ lệ tấn công người cao nhất so với những loài
thú dữ khác trong tự nhiên. Quyển sách còn hướng dẫn các bạn cách phòng chống,
đối phó với rất nhiều loài vật khác trong tự nhiên mà chúng ta có thể gặp phải.
Những kỹ năng mà tác giả đưa ra chắc chắn sẽ rất cần thiết và hữu ích mà mỗi
người cần trang bị để giữ được sự an toàn khi bất ngờ đối mặt với các tình huống
nguy hiểm do thú dữ tấn công. Quyển sách Kỹ năng đối phó thú dữ tấn công
hiện đang được trưng bày tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến
tham quan và tìm đọc./.