Giới thiệu sách: Na Phất Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam

  • 08/04/2025
  • 313
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe



Na Phất Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam /  Đặng Văn Thắng, Nguyễn Hữu Giềng, Hà Thị Sương. - Tp. Hồ Chí Minh : Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2022. 254 tr: minh hoạ; 24 cm.

Quý độc giả thân mến! Trên dải đất hình chữ S đã từng tồn tại nhiều nền văn hóa độc đáo, đặc trưng, có ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam ngày nay. Nhắc đến các nền văn hóa cổ xưa, nổi tiếng ở Việt Nam, không thể không kể đến nền văn hóa Óc Eo, ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay. Cách đây gần 2000 năm, Óc Eo đã từng là vùng đất phát triển, là kinh đô Na Phất Na của Vương quốc Phù Nam cổ xưa. Từ nửa cuối thế kỷ I đến đầu thế kỷ III, thời gian khoảng 200 năm, Na Phất Na (Óc Eo) là kinh đô đầu tiên của vương quốc Phù Nam. Từ năm 550 đến khoảng năm 650, thời gian khoảng 100 năm, Na Phất Na lại một lần nữa trở thành nơi ở, cai trị của các vua Phù Nam và là kinh đô cuối cùng của vương quốc Phù Nam. Như vậy có tổng cộng khoảng 300 năm, Na Phất Na (Óc Eo) là kinh đô của vương quốc Phù Nam.

 Các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế đã tiến hành khai quật và phát hiện nhiều di tích cổ xưa có liên quan đến kinh đô Na Phất Na của vương quốc Phù Nam, qua đó làm sáng tỏ nhiều bí ẩn về nền văn hóa cổ đại trên vùng đất Tây Nam bộ của Việt Nam ngày nay. Quyển sách Na Phất Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam là tập hợp những công trình nghiên cứu tiêu biểu, chi tiết và khá đầy đủ về vương quốc Phù Nam nói chung và kinh đô Na Phất Na nói riêng, qua đó nêu bật lên giá trị về văn hóa, lịch sử của nền văn hóa cổ xưa từng tồn tại ở vùng đất phía Tây Nam của Việt Nam. Sách dày 254 trang, in trên khổ 24 cm, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2022.

Cấu trúc của tác phẩm gồm bốn chương, gồm các nội dung cụ thể như sau:

Chương 1: Khái quát về tiểu quốc Na Phất Na. Chương này các tác giả đã giới thiệu bối cảnh lịch sử và vị trí địa lý của kinh đô Na Phất Na cổ xưa. Điều đặc biệt về vị trí của kinh đô này, đó là nó nằm tại khu vực Tây Nam bộ Việt Nam, bao gồm phần lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay và một số vùng lân cận của các quốc gia khác. Na Phất Na khi ấy là một trung tâm giao thương quan trọng trên tuyến đường hàng hải nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Các tác giả cũng dẫn ra nguồn tư liệu cổ của Trung Quốc, đề cao vai trò của Na Phất Na và vương quốc Phù Nam trong bối cảnh rộng lớn hơn của lịch sử khu vực Đông Nam Á cổ đại.

Trong Chương 2, các tác giả đi sâu vào phân tích các phát hiện khảo cổ học ở khu vực Óc Eo, nơi được xác định là vị trí của Na Phất Na xưa kia. Các di tích khảo cổ được phát hiện bao gồm hệ thống kênh rạch, nền móng kiến trúc và đặc biệt là các di vật như tượng thần Vishnu, đồ gốm, trang sức vàng, các đồng tiền La Mã cổ. Những di tích, hiện vật cổ này chứng minh sự phát triển vượt bậc về kỹ thuật, nghệ thuật của vương quốc Phù Nam, đồng thời cho thấy mối liên hệ giao thương rộng lớn với các nền văn minh xa xôi như Ấn Độ, Trung Đông, và cả đế quốc La Mã. Các tác giả cũng suy đoán về ý nghĩa của các di vật, sự ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và gợi ý những nguyên nhân suy tàn của vương quốc Phù Nam là do môi trường biến đổi hoặc sự cạnh tranh khốc liệt từ các trung tâm quyền lực khác.

Đến Chương 3, các tác giả tái hiện sống động về đời sống kinh tế, dân cư của Na Phất Na. Qua tác phẩm, độc giả có thể thấy rằng nơi đây từng là một xã hội đa dạng về thành phần dân tộc, bao gồm người bản địa và các thương nhân nước ngoài. Bên cạnh đó, kinh tế của Na Phất Na chủ yếu là thương mại đường biển, với các sản phẩm chủ lực như ngọc trai, gỗ quý, gia vị, được trao đổi với các thương nhân đến từ nhiều vùng trên thế giới. Về văn hóa, ảnh hưởng của Ấn Độ giáo khá rõ nét qua các di tích về tượng thần, đền thờ, tuy nhiên vẫn có sự pha trộn về văn hóa các vùng xa xôi khác với văn hóa bản địa. Xã hội Na Phất Na được mô tả là một cấu trúc có sự phân cấp khá rõ nét với tầng lớp quý tộc và thương nhân đóng vai trò là những tầng lớp có vai trò quan trọng trong xã hội.

Ở Chương 4, cũng là chương cuối, các tác giả phân tích sâu hơn, đánh giá Na Phất Na là một trung tâm quyền lực chính trị và kinh tế của Phù Nam trong hai giai đoạn, từ thế kỷ I đến thế kỷ III (kinh đô đầu tiên) và từ thế kỷ VI đến thể kỷ VII (kinh đô cuối cùng). Các tác giả cũng cho rằng sự thịnh vượng của Na Phất Na có vị trí nhất định đối với mạng lưới thương mại toàn cầu thời bấy giờ. Nguyên nhân suy tàn của kinh đô Na Phất Na cũng được các tác giả đưa ra giả thuyết, có thể là do sự cạnh tranh từ vương quốc Chân Lạp, hoặc do tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị từ các trung tâm đô thị cổ khác ở Đông Nam Á.

Như vậy có thể thấy rằng, quyển sách Na Phất Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam là một nghiên cứu sâu sắc, làm sáng tỏ lịch sử của một kinh đô cổ đại (hiện nay, nền văn hóa cổ này vẫn đang được tiếp tục khai quật và nghiên cứu) đồng thời góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong dòng chảy văn minh Đông Nam Á cổ đại. Đây là quyển sách không thể bỏ qua đối với những ai cần nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là đối với vương quốc Phù Nam và di sản văn hóa Óc Eo. Quyển sách Na Phất Na - Kinh đô đầu tiên và cuối cùng của Vương quốc Phù Nam  đang được trưng bày tại Thư viện tỉnh Kiên Giang, kính mời quý độc giả đến Thư viện tỉnh để tham quan và tìm đọc quyển sách./.

  • Tú Mi