
Điện Biên Phủ qua con mắt người nước ngoài. - H : Lao động, 2004. 322tr; 19cm.
Quý độc giả thân mến! Cách đây 71 năm, quân dân ta dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị tướng lĩnh
tài ba, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện
Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (07/5/1954 - 07/5/2025). Chiến
thắng này đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp,
đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp
định Geneva, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước
Việt Nam - Lào - Campuchia.
Kỷ niệm 71 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ,
mời quý độc giả ôn lại lịch sử hào hùng của quân dân ta qua quyển sách Điện
Biên Phủ qua con mắt người nước ngoài. Đây là một tác phẩm tái hiện và phân
tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ quan điểm, góc nhìn khách quan của các
chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là từ các tài liệu, sách báo, bài viết, bài phân
tích của các nhà báo, nhà sử học và nhân chứng nước ngoài, chủ yếu là từ Pháp. Sau
đây là những trích dẫn từ tư liệu nước ngoài mà tác giả Nguyễn Đăng Vinh đã ghi
lại trong tác phẩm:
Tác giả G.H. Giô-nô (Pháp) viết: “Nguyên nhân làm
quân Pháp ở Điện Biên Phủ kinh hoàng là sự xuất hiện bất ngờ của pháo binh Việt
Nam. Điều đáng kinh ngạc hơn cả là ở chỗ làm sao Việt Minh lại đưa được một khối
lượng lớn các khẩu pháo nặng và tiếp tục duy trì việc tiếp tế đạn vào tận Điện
Biên Phủ, qua núi cao rừng rậm, chẳng có đường xá gì cả”.
Cuốn sách “Từ cuộc chiến tranh của người Pháp đến
cuộc chiến tranh người Mỹ” của Philippe Devillers và Jean Lacouture, mô tả
sự kinh ngạc của quân Pháp trước sức mạnh pháo binh và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của
quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “… Số
lượng và cỡ các khẩu pháo cũng như sự dồi dào về đạn dược đã gây nên một sự
kinh ngạc hoàn toàn. Sự kinh ngạc đến nỗi đã làm ba cứ điểm bảo vệ phía Bắc Điện
Biên Phủ là Bêatơrixơ (Him Lam), Gabrien (Độc Lập), An Mari (Bản Kéo) đã sụp đổ
ngay những giờ đầu”. Trung tá Gôsê (Gauchet) chỉ huy lữ đoàn lê dương thứ
13 và ba người chỉ huy phó của ông ta đã bị đạn pháo bắn chết.
Báo “Lơ Phigarô” ngày 12/3/1954 đã viết: “Bộ
Chỉ huy Pháp đã ném tất cả lực lượng không quân vào cuộc chiến đấu ở Điện Biên
Phủ. Máy bay Pháp lồng lộn một cách khủng khiếp trên vùng trời Điện Biên Phủ, ném
bom bắn phá không lúc nào ngừng các vị trí của quân đội Việt Nam… nhưng tuyệt vọng”.
Báo “Nước Pháp buổi chiều” ngày 09/6/1954 cho
biết chi tiết thêm về lưc lượng không quân Pháp đổ dồn tất cả vào trận địa: “…Chỉ
trong vòng một tháng, chúng ta ném vào cuộc chiến đấu 450 máy bay, xuất trận 6.000
lần, nghĩa là hàng ngày có 200 lần máy bay xuất trận và mỗi giờ có gần 10 lần”.
Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, tướng Navarre của Pháp
đã thừa nhận: “Sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm trong sức mạnh huyện thoại
của dòng giống người Việt, lòng yêu nước và nhất là ý thức xã hội mà họ đã xây
dựng được…Chính phủ Việt Minh đưa cuộc chiến vào tất cả các lĩnh vực: chính trị,
tư tưởng, kinh tế và quân sự - tạo ra một động lực hết sức mạnh mẽ”. Nhận định
này cho thấy sự nể phục và thừa nhận sức mạnh toàn diện của Việt Minh trong
cuộc kháng chiến”.
Nhà văn Đức Hen-ri Thoi-ơ, người đã có mặt tại Điện Biên
Phủ vào tháng 5/1954, đã viết: “Điện Biên Phủ là bước ngoặt lịch sử, báo hiệu
sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân. Mặc dù với đầy đủ vũ khí tối tân, nhưng tướng
lĩnh Pháp thì chủ quan, ngạo mạn, ý chí chiến đấu của binh lính thì sa sút, rệu
rã”. Điều này cho thấy rõ sự tương phản về tinh thần chiến đấu của quân Pháp
và Việt Minh.
Trong cuốn "La bataille de Dien Bien Phu",
Nhà văn Pháp Jules Roy đã viết về quân đội
Việt Nam: “Tướng lĩnh quân đội, họ không hề có sự phân biệt với người lính,
trừ tuổi tác…Quần áo cùng một thứ vải thô, giày dép giống nhau, đại tá cũng đi
bộ như binh lính. Họ cùng sống bằng gạo trồng trên ruộng, bằng củ trồng ở trên rừng,
bằng cá đánh ở suối…”. Sự bình đẳng và đoàn kết trong quân đội nhân dân Việt
Nam được nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao. Còn sử gia Alain Ruscio, người Pháp
thì lại nhận xét rằng: “Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình! Ông có nhân
dân Việt Nam cùng kề vai, sát cánh…”
Ngoài ra, quyển sách còn cung cấp rất nhiều bài viết,
tư liệu quý giá của Pháp và các nước về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của
quân dân ta. Sách đã cung cấp một góc nhìn khác biệt và khách quan, giúp độc giả
hiểu được các vị tướng lĩnh tài ba mà cả thế giới, đặc biệt là các nước phương
Tây, nhìn nhận và đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều này khẳng định ý
nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đối với Việt Nam và phong trào
giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Quyển sách Điện Biên Phủ qua con mắt người nước
ngoài hiện đang được trưng bày và giới thiệu tại Thư viện tỉnh Kiên
Giang, kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc./.